CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHO... AI?
Đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đang khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Tác động của COVID-19, ngoài vấn đề y...CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHO... AI?
Đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đang khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Tác động của COVID-19, ngoài vấn đề y tế, cũng được thể hiện trong chính trị và bức tranh tổng quan về kinh tế quốc tế.
Đại dịch này đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Một câu chuyện phổ biến gần đây là việc Mỹ được cho đang thúc đẩy kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, mà cụ thể là “rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc”.
Những diễn biến trên tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở Việt Nam.
Một mặt, giới quan sát cả nước hứng khởi trước viễn cảnh Việt Nam có thể tham gia vào kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng nêu trên, nhất là khi Việt Nam đang thể hiện rất tốt trong việc ứng phó COVID-19. Một mặt, xuất hiện mối lo rằng Việt Nam sẽ “bỏ lỡ thời cơ vàng” đón sóng đầu tư, nếu không nhanh tay hành động.
Rất nhiều bài báo được xuất bản, rất nhiều hội thảo về đầu tư được tổ chức để bàn về vấn đề này. Nhưng nội dung của đại đa số các bài viết hoặc thảo luận ấy đều na ná những gì độc giả được nghe suốt hai năm qua.
Hay nói cách khác, toàn bộ nội dung từ cái gọi là “cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” đều có thể đem ra áp vào tình hình hiện tại. Chiến tranh thương mại cũng một thời được nhắc tới như yếu tố thúc đẩy các công ty đa quốc gia tìm đường chạy khỏi Trung Quốc, và Việt Nam hay Đông Nam Á cũng được xem là những địa điểm thay thế lý tưởng.
Trong khi đó, có một điều quan trọng dường như không mấy ai chỉ ra: cơ hội đầu tư cho ai?
Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Thị trường này sôi động và chia sẻ cùng một đường hướng phát triển, hội nhập. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều hiểu rằng họ phải mở cửa đón đầu tư, thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng đi sâu hơn, về định hướng thu hút đầu tư, thì chắc chắn có sự khác biệt.
Lấy ví dụ, Malaysia ngày nay chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao. Ông Mohahem Azmin Ali, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI), khẳng định họ tập trung các ngành công nghiệp công nghệ cao vì đây là nhóm ngành tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn cho lao động địa phương.
Hiện nay, Malaysia có những chương trình ưu đãi cho đầu tư công nghệ cao để thu hút FDI, đơn cử là Khu vực thương mại tự do kỹ thuật số (DFTZ), cho phép nhà đầu tư khai thác khả năng thương mại và hậu cần xuyên biên giới. Những ưu đãi khác như giảm thuế cũng được áp dụng cho các nhóm ngành then chốt nhằm tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) để thúc đẩy tăng trưởng điện tử.
Tương tự, Thái Lan đã trải qua giai đoạn dài thành công như một trung tâm sản xuất công nghiệp, và hiện tại nước này đang đặt mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy hồi tháng 5, ông Somphote Ahunai, CEO của công ty năng lượng tái tạo Energy Absolute, khẳng định Thái Lan không còn lệ thuộc nặng nề vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Vì vậy, nước này có thể xử lý bằng cách tập trung vào mô hình sản xuất công nghệ gốc (OTM), để nâng cao giá trị gia tăng và đồng lương công nhân, thay vì kiếm rất ít bằng sức lao động trong mô hình sản xuất thiết bị gốc (OEM), vốn là thế mạnh trước đây của người Thái ở một số lĩnh vực sản xuất máy móc và linh kiện điện tử.
Lấy hai ví dụ về Malaysia và Thái Lan để thấy rằng, mỗi nước có một tình trạng, ưu tiên, và thế mạnh khác nhau. Vì vậy chuyện so sánh chung chung giữa các nước Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Để trả lời câu hỏi “cơ hội đầu tư cho ai?”, một yếu tố nữa cần được xem xét (và cũng không một chuyên gia kinh tế nào nhắc tới) là “ai, và họ muốn đầu tư cái gì?”. Hồi tháng 5, dư luận cũng một phen sôi sục chuyện Indonesia chuẩn bị đón 27 nhà máy Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang.
Chưa bàn tới việc đây là thông tin không chính thức, điều quan trọng nhất là nó đã tháo một ngòi nổ tranh luận tại Việt Nam trong khi không ai biết 27 nhà đó là công ty gì, hoạt động trong lĩnh vực nào.
Chính vì vậy, trong khi các chuyên gia sốt sắng về việc Việt Nam sẽ bị Indonesia vượt mặt, họ không biết chúng ta đang đua với Indonesia trên… đường đua nào.
Với đống thông tin mù mờ và chung chung như trên, giới đầu tư sẽ nắm lấy cơ hội của mình như thế nào nếu không biết cụ thể Việt Nam đang muốn đón loại đầu tư gì, và ai đầu tư, họ sẽ đầu tư vào ngành nào?
Những thông tin này trong khi đó lại đặc biệt quan trọng, vì với mỗi loại đầu tư sẽ có một khu vực bất động sản sản xuất phù hợp, những yêu cầu cụ thể về cải cách luật đầu tư, bất động sản, và thuế… Một khi không thực sự nắm rõ đối tượng cần thu hút, mọi yêu cầu chuẩn bị đều chỉ là những vấn đề chung chung mà hầu như quốc gia Đông Nam Á nào cũng đang đối mặt. Còn khi hiểu rõ ai, muốn đầu tư gì, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể cất tiếng kêu gọi cải cách cụ thể để bảo vệ lợi ích.
NHẬT ĐĂNG
Nhật Đăng là phóng viên đang làm việc tại báo Tuổi Trẻ, tập trung vào vấn đề đối ngoại, bao gồm các hiệp định thương mại của Việt Nam. Nhật Đăng từng tham gia chương trình Reporting ASEAN của ASEAN Foundation, tập trung vào các vấn đề của ASEAN. Bài viết của Nhật Đăng cũng được xuất bản trên The Diplomat, Eurasia Review và Bangkok Post.
Khu công nghiệp Morowali (IMIP) tại Central Sulawesi, Indonesia - Ảnh: IMIP
Xem thêm
Dư Nhật Đăng đã kết bạn với Le Anh Tu